Thay đổi màu sắc

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Thứ tư - 02/04/2025 19:49
Những năm qua, các tổ chức Chính trị - xã hội đã phối hợp với NHCSXH huyện làm tốt công tác ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bù Gia Mập.
Từ đó các tổ chức CT-XH đã trở thành “cầu nối” quan trọng trong việc chuyển tải nguồn vốn đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Không chỉ hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, tạo sinh kế, tạo việc làm, thông qua các hoạt động này còn góp phần nâng cao nhận thức, tạo tâm lý mạnh dạn tự tin, khuyến khích sự chủ động và tinh thần tự lực của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức CT-XH là phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với tôn chỉ hoạt động của các tổ chức CT-XH. Mô hình này đã gắn kết ngân hàng - câp ủy - chính quyền, các tổ chức CT-XH với người dân thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Từ đó phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn cho vay, góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo nhiều sinh kế, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời thu hút thêm nhiều hội viên tham gia tổ chức hội, góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của hội. Vai trò, uy tín của tổ chức hội ngày càng được nâng lên, được ghi nhận và đánh giá cao; thu hút, tập hợp được đông đảo hội viên, làm cho hội viên tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội hơn.
Chỉ tính riêng năm 2024 và 2 tháng đầu năm 2025, tổng số tiền giải ngân các nguồn vốn ủy thác trên địa bàn huyện là 189,9 tỷ đồng với 3.877 lượt hộ vay vốn. Đến 25/03/2025 tổng dư nợ ủy thác là 535, 2 tỷ đồng trên 9.177 hộ vay còn dư nợ, chiếm 99,8% tổng dự nợ nguồn vốn tín dụng CSXH huyện quản lý. Trong đó: Hộ nghèo 40.988 triệu đồng, Hộ cận nghèo 108.663 triệu đồng, Hộ mới thoát nghèo 48.650 triệu đồng, Hộ SXKDVKK 123.083 triệu đồng, Nước sạch vệ sinh môi trường 96.500 triệu đồng, Giải quyết việc làm 34.165 triệu đồng, Nhà ở xã hội 12.250 triệu đồng, Cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn  63.595 triệu đồng, v.v…; Qua đó đã tạo được nhiều sinh kế, việc làm ổn định, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân, đặc biệt là hộ và các đối tượng chính sách khác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Chất lượng tín dụng luôn được ổn định và nâng cao với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05% trên tổng dư nợ, nợ đến hạn được xử lý kịp thời đúng quy định.
Để đạt được kết quả nêu trên, các tổ chức CT-XH cấp huyện, cấp xã luôn chủ động phối hợp với NHCSXH huyện trong việc thực hiện tốt các nội dung ủy thác, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với công tác tín dụng chính sách xã hội,…. đặc biệt là từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH,… và nay là Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo của Huyện ủy, chính quyền địa phương cũng như bám sát kế hoạch phát triển KT-XH, gắn các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trong quá trình triển khai công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc NHCSXH huyện thông tin.
Xác định việc triển khai nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình kế hoạch hằng năm, các tổ chức CT-XH đã phối hợp tốt với NHCSXH huyện tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Bằng nhiều phương pháp, nhiều hình thức khác nhau như: Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan báo, đài truyền hình, truyền thanh, trung ương, tỉnh, huyện, cổng thông tin điện tử huyện, các trang địa phương, . . . hệ thống loa phát thanh tại thôn, ấp, xã; tận dụng tối đa các thiết bị công nghệ, mạng xã hội, zalo, facebook,. . . phối hợp với Hội đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền trong các cuộc họp giao ban, các lớp tập huấn, các hội nghị giao ban của các hội, đoàn thể, . . . đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức của NHCSXH, tổ chức CT-XH các cấp luôn xác định mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên tích cực, tranh thủ tất cả các cơ hội có điều kiện tiếp xúc với người dân để thực hiện tuyên truyền về tín dụng chính sách và các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đặc biệt là các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, .... Ông Phạm Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện khẳng định.
Để kế thừa và phát huy giá trị to lớn của tín dụng chính sách đã đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tinh thần Chỉ thị số 39-CT/TW trong việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030. Các tổ chức CT-XH tiếp tục chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện đầy đủ, đảm bảo chất lượng các nội dung nhận ủy thác cho vay từ NHCSXH huyện.
Chủ động phối hợp với UBMTTQ huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH huyện và các ban ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH. Tổ chức kêu gọi, vận động các nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ... thông qua vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, tổ chức ngày hội “ Tiết kiệm vì người nghèo” để huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhằm bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn huyện.
Chú trọng công tạo đào tạo tập huấn nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; làm tốt việc tổ chức họp bình xét cho vay đảm bảo minh bạch, đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, cổng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV; hướng dẫn, định hướng cho hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn, …Bên cạnh đó còn xây dựng lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án hỗ trợ đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế với việc sử dụng có hiệu quả cao; nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách xã hội, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đặc biệt là đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trương Thị Hồng Anh cho hay.

Tác giả: Vũ Thị Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây